Một số bà mẹ nói rằng con họ còn nhỏ như vậy mà chỉ đi tiêu 1 ngày một lần, có khi 2-3 ngày một lần, vậy có phải là táo bón không? Như thế nào thì được xác định là trẻ mắc chứng táo bón? Điều này không hoàn toàn chỉ là số lần đại tiện. Trẻ có thể đi 1 ngày 1 lần hoặc 2 ngày/lần nhưng không phải gắng sức rặn, phân không cứng và khiến trẻ bị đau hay chảy máu thì cũng không tính là bị táo bón. Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể từng táo bón ít nhất một lần nhưng nếu không kéo dài và thường xuyên thì cũng không đáng lo ngại.
Chỉ khi có những triệu chứng sau kéo dài ở trẻ mới nghĩ tới chứng táo bón: số lần đi tiêu ít, có thể từ 2-3 ngày mới đại tiện; phân rắn, khô và khiến trẻ phải gắng sức rặn, có thể bị chảy máu. Thời gian đi đại tiện kéo dài hơn bình thường. Nếu trẻ nhỏ còn đóng bỉm có thể quan sát bỉm của bé có vết đi đại tiện nhưng ít và chỉ là phân loãng thấm vào bỉm mà cả ngày không thấy phân - điều đó chứng tỏ phân bị kết cứng và chỉ có ít chất lỏng thoát ra ngoài. Một đứa trẻ khi bị táo bón sẽ có biểu hiện khó chịu, trướng bụng, quấy khóc, biếng ăn điều đó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự tăng trưởng của trẻ.
Vì sao trẻ mắc chứng táo bón?
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng táo bón ở trẻ. Đại tràng dài, phình trực tràng bẩm sinh, dị dạng hậu môn.... Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị táo bón do những nguyên nhân từ chế độ ăn, sinh hoạt, uống ít nước, ăn quá nhiều thịt mà ít chất xơ, ít ăn rau, hoa quả là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Nhiều bé không thích ăn rau hoặc mẹ không để ý tới sự mất cân đối trong thực đơn của con nên khiến bé ăn quá nhiều thịt. Ít vận động cũng gây ra chứng táo bón. Mẹ cho con uống sữa pha quá đặc (do quan niệm sai lầm là làm thế trẻ sẽ ăn được nhiều hơn trong một lần bú bình) cũng khiến cho lượng nước trong ngày mà trẻ hấp thu quá ít dẫn tới táo bón.
Việc người lớn gây áp lực cho trẻ trong việc ngồi bô hay đi đại tiện sẽ khiến bé sợ đi tiêu và nhịn. Ngược lại do nhịn đại tiện, phân bị giữ lại trong đại tràng lâu, mất nước dẫn tới khô, cứng, khi đi gây đau càng khiến trẻ sợ đi tiêu, tình trạng táo bón càng kéo dài.
Cách trị chứng táo bón ở trẻ
Nếu nguyên nhân táo bón do các dị dạng bẩm sinh của cơ thể như phình đại tràng, dị dạng hậu môn... phải giải quyết triệt để bằng phẫu thuật. Nhưng trường hợp này chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp táo bón ở trẻ em.
Khi trẻ bị táo bón, trước hết cần xem xét lại chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Nên tăng cường cho trẻ uống nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Ở trẻ không thích ăn rau, hoa quả nên cho trẻ ăn hoa quả, rau xanh với số lượng nhỏ nhưng đa dạng để trẻ hào hứng hơn. Có thể cho trẻ uống các loại nước ép hoa quả. Khuyến khích trẻ vận động. Không gây áp lực cho trẻ về việc ngồi bô, đi đại tiện.
Mặc dù việc tập một thói quen đi đại tiện đúng giờ là quan trọng và rất tốt nhưng không nên ép và làm cho trẻ sợ mà chỉ nên khuyến khích động viên trẻ mà thôi. Làm sao cho trẻ thấy thoải mái vui vẻ khi ngồi bô. Hàng ngày và trước khi trẻ đi đại tiện có thể thực hiện các động tác xoa bụng: xoa vòng tròn quanh rốn, ấn nhẹ nhàng vùng bụng dưới rốn sẽ giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn.
Thuốc có thể dùng trong các trường hợp táo bón thường xuyên, dài ngày. Hiện có một số loại thuốc được dùng an toàn cho trẻ em giúp nhuận tràng, kích thích đi tiêu, làm mềm phân. Tuy nhiên, thuốc cho trẻ nhất thiết phải được kê bởi bác sĩ chuyên khoa và cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng cũng như thời gian dùng thuốc để đạt được hiệu quả lâu dài.
Tuyệt đối tránh việc ngưng dùng thuốc giữa chừng dù bé đã đi tiêu bình thường, bởi trong nhiều trường hợp dừng thuốc giữa chừng sẽ khiến tình trạng táo bón tái phát và việc điều trị sau đó sẽ trở nên khó khăn hơn.
© Bản quyền thuộc về Y Dược Tinh Hoa LD Hàn Việt. ® Ghi rõ nguồn YDUOCTINHHOA.com khi phát hành lại thông tin từ website này
Chú ý: Các thông tin trên website có tính chất tham khảo. Hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người, không tự ý áp dụng. Cần tham vấn ý kiến của thầy thuốc.