Thứ hai, Ngày 7 / 10 / 2024 Thời tiết

PHÒNG LOÃNG XƯƠNG TỪ NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ

 

Loãng xương là một bệnh làm xương bị rỗ, dần dần trở nên yếu và giòn dễ gẫy. Vì vậy tên của bệnh theo tiếng Anh là Osteoporosis, theo tiếng Pháp là Ostéoprose, đều có cấu tạo từ gốc tiếng Latinh: Osteo - có nghĩa là xương và Porosis có nghĩa là dạng lỗ.
Thực chất của bệnh này là sự mất cân bằng của hai quá trình: tiêu xương và tạo xương; xương cũ bị tiêu đi mà xương mới không bù đắp kịp. Tình trạng này bắt đầu từ độ tuổi 40 một cách âm thầm, không gây ra triệu chứng hay dấu hiệu nào.
Đây chính là lý do dẫn đến một thực trạng đã thống kê được ở Mỹ: có tới trên 10 triệu người bị loãng xương hoặc có nguy cơ cao bị loãng xương, trong đó 80% là phụ nữ, có tới 34 triệu người có mật độ xương thấp, họ thuộc nhóm có nguy cơ bị loãng xương nếu không có biện pháp dự phòng sớm thích hợp. Một điều đáng lo ngại hơn là chỉ một số lượng nhỏ đó được chẩn đoán và điều trị. Khi được chẩn đoán thì bệnh đã ở giai đoạn phát triển nên điều trị không thể phục hồi hoàn toàn. Như vậy vấn đề cơ bản đặt ra đối với bệnh loãng xương là phòng bệnh sớm để làm giảm tỷ lệ mắc và làm chậm tiến triển của bệnh, phát hiện sớm để điều trị sớm nhằm hạn chế những hậu quả nặng nề của bệnh, nâng cao chất lượng sống cho nhóm người trung niên và cao tuổi. Điều này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn khi tuổi thọ con người đang ngày càng tăng lên.
Việc thiết thực nhất cần làm cho phòng bệnh loãng xương là phổ biến kiến thức cho người dân giúp họ nhận biết được sớm những yếu tố nguy cơ của bệnh để sớm có biện pháp dự phòng. Các yếu tố nguy cơ của nam giới và nữ giới là khác nhau.
Các yếu tố nguy cơ của nữ giới
(1) Yếu tố nguy cơ chủ yếu của loãng xương ở phụ nữ là mãn kinh, liên quan đến giảm hormone sinh dục nữ estrogen. Ở phụ nữ, loãng xương xảy ra chủ yếu khi đã mãn kinh, trong 5 năm đầu mãn kinh người phụ nữ bị tiêu xương rất nhanh, lượng xương mất đi chiếm tới 1/3 tổng số xương mất cả đời người, phụ nữ trên 50 tuổi có tới 50% khả năng bị gãy xương do loãng xương. Đặc tính này là chung của phụ nữ mọi chủng tộc nhưng những phụ nữ châu Á và người Cap - ca có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
Nguy cơ sẽ cao hơn đối với người bị mãn kinh sớm, có thể là đặc điểm riêng của một số người hoặc là kết quả sau phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng.
Ngoài ra, những phụ nữ không thấy kinh một thời gian trước thời kỳ mãn kinh liên quan tới những tình trạng bệnh lý như chứng ăn uống vô độ, chán ăn hoặc tập luyện thể lực quá sức, cũng bị mất xương nhanh và tiến triển loãng xương.
(2) Tiền sử gia đình có người bị loãng xương hoặc bị gãy xương chỉ từ những chấn thương nhỏ. Những phụ nữ có cha mẹ hoặc ông bà đã được chẩn đoán và điều trị loãng xương, gãy xương do giảm mật độ xương, là nhóm có nguy cơ cao hơn.
(3) Phụ nữ có tạng xương nhỏ và mảnh có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với những phụ nữ khác.
(4) Nhóm người bị những bệnh phải sử dụng một số thuốc có tác dụng phụ tiêu xương nhanh sẽ dễ bị loãng xương.
Các thuốc đó là:
- Corticosteriod (như cortison, prednison…) để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, các bệnh tự miễn dịch, hen và sau cấy ghép mô hoặc bộ phận vào cơ thể.
- Hormon tuyến giáp (dùng lượng lớn).
- Thuốc chống co giật.
- Thuốc kháng acid chứa nhôm, dùng điều trị bệnh đường tiêu hóa.
- Heparin, dùng để phòng đông máu.
- Cholestyramin dùng để kiểm soát mức cholesterol máu.
- Các hormon giải phóng hormon hướng sinh dục dùng để điều trị bệnh nội mạc tử cung.
Cần cân nhắc kỹ càng trước khi dùng nhóm thuốc này và nếu bệnh đòi hỏi phải dùng thuốc thì phải dùng đúng liều để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
(5) Hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến mức tiết estrogen nên cũng có thể làm tăng mất xương.
(6) Ăn uống thiếu calci hoặc vitamin D. Hai chất này đóng vai trò chủ chốt trong duy trì độ chắc chắn của xương nên cần bổ sung dưới dạng ăn thực phẩm giàu các thành phần này hoặc dạng viên uống.
(7) Ít vận động làm xương kém rắn chắc và mỏng đi, lâu ngày có thể bị gãy.
Các yếu tố nguy cơ của nam giới
Nam giới có bộ xương to hơn, chắc hơn xương của phụ nữ, đồng thời bắt đầu mất xương cũng muộn hơn so với nữ giới. Tuy nhiên theo thống kê cho thấy ở Mỹ hiện có 2 triệu nam giới bị loãng xương và 12 triệu nam giới có nguy cơ bị loãng xương. Cũng như ở nữ giới, mất xương tiến triển âm thầm, thường thì người ta không cảm nhận được sự biến đổi này trong cơ thể.
(1) Giảm hormon sinh dục nam testosteron góp phần làm tăng mất xương.
(2) Tiền sử gia đình có người bị loãng xương hoặc bị gãy xương chỉ từ những chấn thương nhỏ. Những nam giới nhóm này có ông bà hoặc cha mẹ đã được chẩn đoán và điều trị loãng xương, gãy xương do giảm mật độ xương, là nhóm có nguy cơ cao hơn.
(3) Nam giới có cân nặng thấp là nhóm có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những nam giới khác.
(4) Nhóm người bị những bệnh phải sử dụng một số thuốc có tác dụng phụ tiêu xương nhanh, sẽ dễ bị loãng xương.
Các thuốc đó cũng giống như các thuốc đã nêu đối với phụ nữ.
(5) Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm mất xương và yếu xương.
(6) Uống rượu hàng ngày. Uống nhiều rượu làm giảm quá trình tạo xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.
(7) Ăn uống thiếu calci hoặc vitamin D. Cũng như đối với phụ nữ, hai chất này rất cần thiết cho sự tạo xương của nam giới.
(8) Ít vận động cũng làm xương của nam giới kém rắn chắc và mỏng đi, lâu ngày cũng có thể gãy như ở phụ nữ, những nam giới ít vận động hoặc giảm độ chắc của cơ sẽ có nguy cơ bị loãng xương.
Ngoài việc nhận biết các yếu tố nguy cơ trên, còn có thể xác định chính xác hơn các yếu tố nguy cơ loãng xương cho cả nam lẫn nữ bằng thử nghiệm mật độ khoáng của xương (BMD test).
Kết quả của thử nghiệm được thể hiện bằng điểm T. Số điểm T phản ánh mức độ chắc của xương đo được theo tuổi so với mật độ xương của người trẻ tuổi. Đánh giá dựa vào số điểm T, nếu dưới 2 là không có yếu tố nguy cơ, nếu dưới 1,5 là có một hoặc nhiểu yếu tố nguy cơ.
Kết luận
Hiện nay những máy móc, xét nghiệm đo mật độ xương được sử dụng khá rộng rãi để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh loãng xương ngay từ những yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, những kỹ thuật đó vẫn chưa thể phổ biến rộng rãi đến tuyến y tế cơ sở. Vì vậy việc phổ biến kiến thức về bệnh loãng xương, hướng dẫn và cùng người dân phát hiện sớm nguy cơ để có biện pháp dự phòng vẫn là cách giúp ích hiệu quả nhất của các thầy thuốc ở tuyến y tế cơ sở tới người dân.
BS. Lê Nga
Thầy Thuốc Việt Nam số 5 (1/2007)

Hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc cơ địa của mỗi người. Quý khách có thể đến khám miễn phí tại Phòng khám của Y Dược Tinh Hoa, gọi số 02438438093; 0965340818, hoặc để lại số điện thoại và ý kiến vào ô dưới đây để được tư vấn hiệu quả nhất.
Họ tên:
Email:
Điện thoại:
Nội dung:
Mã bảo mật captcha
Các bài liên quan