Thứ hai, Ngày 2 / 12 / 2024 Thời tiết
Bài viết
Tra Bệnh theo vần

A Ă Â B C D Đ E Ê F G H I J K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V W X Y Z

Hôn mê do đái tháo đường

Hôn mê do đái tháo đường

TS. Đỗ Thị Minh Thìn (Bệnh học nội khoa HVQY)

1. Hôn mê do nhiễm toan ceton.
1.1. Định nghĩa:
- Hôn mê do nhiễm toan ceton là một biến chứng cấp tính trong bệnh đái tháo đường. Bệnh được đặc trưng bởi đường huyết tăng cao, thường > 20mmol/lít, pH máu giảm < 7,2, dự trữ kiềm < 15mEq/lít và xuất hiện các thể ceton trong máu do thiếu insulin trầm trọng. Thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 1.
1.2. Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi:
+ Nguyên nhân:
- Do thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối.
- Bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng không được điều trị, không biết bị đái tháo đường.
- Liều insulin điều chỉnh không kịp thời hoặc đang điều trị tự động ngừng thuốc đột ngột.
- Do các bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hoại tử chi.
- Do điều trị các thuốc có tác dụng làm tăng đường máu như corticoid, ACTH, DOCA, lợi tiểu thải muối (lasix, hypothiazid).
- Do phẫu thuật, chấn thương.
+ Yếu tố thuận lợi:
- Ăn quá nhiều glucid, uống rượu, bia.
- Nhiễm khuẩn, nhiễm virut.
- Có thai hoặc sinh đẻ.
- Nhiễm độc hormon giáp nặng.
- Nôn, đi lỏng.
1.3. Cơ chế bệnh sinh:
Cơ chế chủ yếu do thiếu insulin cấp tính và tăng hoạt động của các hormon đối kháng với insulin như glucagon, cathecolamin, cortisol, GH...
Thiếu insulin sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hoá glucose trong tổ chức cơ, gan và tế bào mỡ, tăng đường máu sẽ dẫn đến chuyển hoá glucose sẽ bị ngừng trệ, không hình thành được piruvat và axit oxaloacetic, tổng hợp protein cũng bị rối loạn, các axit amin đưa đến gan được tổng hợp thành glucose hoặc tiếp tục chuyển hoá tạo thành các thể cetonic.
Mặt khác khi thiếu insulin sẽ ức chế quá trình tạo lipit, các glycerol của lipit chuyển thành glucose dẫn đến đường máu lại càng tăng. Các axit béo tự do được chuyển vào gan và tạo thành acetyl coenzym A (acetyl CoA).
ở những bệnh nhân hôn mê do đái tháo đường acetyl CoA sẽ chuyển hoá tạo thành acetoacetic, axit β hydroxybutyric và aceton nên các thể cetonic tăng trong máu gây nhiễm toan chuyển hoá.
Tăng đường huyết và các thể ceton trong máu sẽ dẫn đến đái nhiều, thẩm thấu, nhiễm toan, mất nước, mất điện giải, tác động đến các tế bào thần kinh trung ương, giảm sử dụng ôxy trong tổ chức não.
Tăng áp lực thẩm thấu ngoại bào càng làm cho sự mất nước nội bào càng nặng và bệnh nhân sẽ đi vào hôn mê nếu không điều trị kịp thời.
1.4. Triệu chứng:
1.4.1. Lâm sàng:
+ Giai đoạn khởi phát (giai đoạn tiền hôn mê):
- Bệnh có thể khởi phát từ từ, thường gặp ở người trẻ tuổi (đái tháo đường typ 1).
- Có khi xuất hiện đột ngột (ở bệnh nhân đang điều trị insulin tự ngừng đột ngột).
- Triệu chứng thường gặp là ăn nhiều, đái nhiều, khát và uống nhiều, gầy sút cân nhanh, cũng có khi chán ăn, ăn kém, buồn nôn, nôn hoặc đau bụng.
- Dấu hiệu mất nước: da nhăn nheo, mắt trũng.
+ Giai đoạn toàn phát (giai đoạn hôn mê-nhiễm toan ceton nặng):
- Rối loạn tri giác: ý thức lơ mơ, u ám hoặc mất ý thức hoàn toàn.
- Khó thở do nhiễm toan chuyển hoá, thở nhanh sâu ồn ào, thở kiểu Kussmaul, tần số thở thường đều đặn (30- 40 lần/ 1phút).
- Biểu hiện của mất nước nội bào (khát dữ dội, sụt cân nhiều, niêm mạc khô).
- Biểu hiện của mất nước ngoại bào (da khô, nhăn nheo, giảm trương lực nhãn cầu, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh.
- Rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, nôn, đi lỏng dẫn đến rối loạn nước và điện giải, đau bụng đôi khi giống đau bụng của ngoại khoa nhất là ở trẻ em.
- Hơi thở có mùi ceton (mùi táo xanh).
- Sốt: có thể do mất nước nội bào hoặc do nhiễm trùng (phổi, hoại tử chi, viêm đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn huyết…).
Nhiệt độ có thể bình thường hoặc thấp trong nhiễm khuẩn gram âm.
1.4.2. Cận lâm sàng:
+ Các xét nghiệm cần thiết:
- Na+ máu bình thường, đôi khi cao (do mất nước) hoặc giảm (do bệnh nhân đái nhiều).
- K+ máu thường giảm (có thể bình thường hoặc tăng nếu có suy thận).
- Dự trữ kiềm giảm < 15 mEq/l, pH máu giảm < 7,2.
- Magie tăng ở giai đoạn đầu, giai đoạn sau có thể giảm do truyền dịch.
- Ceton máu tăng và ceton niệu (+) mạnh.
- Urê, creatinin máu tăng (do suy thận chức năng).
- Clo máu bình thường hoặc tăng (do tái hấp thu tại ống thận).
- Phốt phát huyết thanh tăng trong giai đoạn đầu khi chưa được điều trị, sau điều trị sẽ giảm.
- Amylaza máu tăng, creatinin phosphokinaza tăng.
- Huyết cầu tố tăng (do máu cô).
- Bạch cầu tăng (do nhiễm khuẩn hoặc máu cô).
- Triglycerid máu tăng nguyên nhân do thiếu insulin dẫn đến giảm lipoprotein lipase, mặt khác thiếu insulin dẫn đến tốc độ thanh lọc cuả lipit bị chậm lại và gan sẽ tăng sản xuất VLDL (very low density lipoprotein).
+ Điện tim:
- Đoạn QT dài, sóng T dẹt, xuất hiện sóng U, ST hạ xuống (khi có hạ K+ máu).
- Có hình ảnh của thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
+ Cấy máu, cấy nước tiểu (nếu nghi ngờ có sốt nghi nhiễm khuẩn huyết).
+ Các xét nghiệm đông máu.
+ Thử HCG (nếu nghi ngờ có thai).
+ X quang tim-phổi: tìm các tổn thương ở phổi đi kèm.
1.5. Chẩn đoán:
+ Dựa vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm đường máu, ceton máu tăng và ceton niệu (+).
+ Có toan hoá máu (pH giảm, dự trữ kiềm giảm).
1.6. Điều trị:
Nguyên tắc chung:
- Đưa ngay đường huyết xuống bình thường.
- Bồi phụ đủ nước và điện giải.
- Điều trị nguyên nhân dẫn đến hôn mê.
- Săn sóc đặc biệt:
. Cho ăn theo chế độ của đái tháo đường, nên ăn lỏng, dễ tiêu hoá.
. Chống loét, chống nhiễm trùng (hút đờm rãi nếu có ùn tắc, xoay trở mình cho bệnh nhân).
. Khai thông đường thở, hồi sức tim mạch.
. Đặt sonde bàng quang để theo dõi số lượng nước tiểu 24 giờ.
+ Chăm sóc bệnh nhân hôn mê:
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở mỗi giờ/1 lần.
- Theo dõi số lượng nước vào, ra trong 24 giờ.
- Theo dõi đường huyết mỗi giờ/1 lần để điều chỉnh lượng insulin đưa vào.
- Theo dõi kali, pH máu, dự trữ kiềm để điều chỉnh toan- kiềm.
+ Insulin: cần phải dùng insulin tác dụng nhanh.
- Điều trị tấn công:
. Truyền tĩnh mạch insulin nhanh với liều 0,1 đơnvị/kg/1 giờ.
. Dung dịch kaliclorua 10% pha với NaCl 0,9% với liều 5 mmolkali/giờ
NaCl 0,9% + insulin + kali (dd N- I- K).
. Lấy tổng liều insulin của 4 giờ + 20 mmol (15 ml kaliclorua 10%) pha với 500 ml thanh huyết mặn 0,9% truyền tĩnh mạch cho đến khi đường máu về bình thường.
Đường máu giảm xuống đến 12 mmol/l cho truyền thêm dung dịch glucose 5% x 500 ml để tránh hạ đường huyết.
- Điều trị duy trì:
. Khi đường máu xuống tới 8mmol/l, giảm liều insulin còn 1/2 so với ban đầu và tiếp tục truyền glucose 5%.
. Nếu đường máu giảm về bình thường, bệnh nhân tỉnh lại thì ngừng truyền insulin và chuyển sang điều trị thông thường (insulin tiêm dưới da).
Sau một giờ phải xét nghiệm lại đường máu, điện giải đồ, pH, dự trữ kiềm để điều chỉnh liều insulin cho phù hợp.
+ Chống toan hoá máu: truyền natri bicarbonat 1,25% hoặc 2,4% x 500-1000 ml/24h. Không nên truyền bicarbonat sớm vì nếu gây kiềm máu quá nhanh thì lượng ôxy từ
huyết sắc tố tới tổ chức ngoại vi sẽ bị giảm và gây tình trạng thiếu ôxy tổ chức dẫn đến nhiễm toan càng nặng hơn.
Cần phải truyền đủ dịch dựa trên áp lực tĩnh mạch trung tâm (lượng dịch truyền chủ yếu là NaCl đẳng trương, ngoài ra còn cho bicarbonat, glucose 5%, lượng dịch truyền trong ngày có thể 5-6 lít hoặc hơn nữa.
+ Bù đủ kali:
Bù kali là một phần không nhỏ trong điều trị hôn mê do nhiễm toan ceton.Vì trong giai đoạn hôn mê bệnh nhân sẽ trong tình trạng mất nước và rối loạn điện giải (nhất là mất kali), mặt khác khi cho truyền insulin thì kali sẽ đưa hết vào tế bào lại càng làm cho thiếu kali một cách trầm trọng, dẫn đến rối loạn nhịp và nguy cơ tử vong (do rung thất). Tùy theo tình trạng thiếu kali để bù đủ với liều lượng cần thiết có thể cho từ 2-3g kaliclorua/ lít dịch truyền trong một giờ.
+ Phosphat:
Khi điều trị bằng insulin: insulin sẽ làm cho các tế bào thu nhận phosphat tăng lên, do đó sẽ dẫn đến giảm phosphat huyết tương, có thể cho truyền K2P04 với liều 20-30 mEq hoặc cho uống, hoặc bơm qua sonde dạ dày.
+ Chống suy tim: ouabain hoặc digoxin.
+ Chống nhiễm trùng: có thể cho kháng sinh đề phòng bội nhiễm.
2. Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
2.1. Định nghĩa:
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu là một biến chứng cấp tính trong bệnh đái tháo
đường, thường hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mất nước nhiều. Bệnh được biểu hiện bằng đường huyết tăng rất cao, áp lực thẩm thấu tăng cao > 320 mosm/l; pH máu > 7,2; tăng natri máu và không có nhiễm toan ceton.
2.2. Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi:
+ Nguyên nhân:
- Do nhiễm khuẩn.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Nôn nhiều, đi lỏng gây mất nước.
- Tai biến mạch máu não.
+ Yếu tố thuận lợi:
- Dùng thuốc lợi tiểu thải muối (lasix, hypothiazid).
- Corticoid, thuốc ức chế bêta, manitol, phenyltoin, thuốc ức chế miễn dịch, các thuốc này có thể là tăng đường huyết và giảm tiết insulin.
2.3. Cơ chế bệnh sinh:
Thiếu insulin tương đối làm tăng đường huyết, đái nhiều thẩm thấu và suy thận chức năng do giảm thể tích máu càng làm cho đường huyết và áp lực thẩm thấu máu tăng cao.
Mặt khác, giảm thể tích máu do mất nước sẽ làm tăng tiết aldosterol, giảm bài tiết natri theo nước tiểu dẫn đến tăng natri máu nhưng pH máu và dự trữ kiềm vẫn bình thường (không có triệu chứng của nhiễm toan chuyển hoá).
Tất cả những triệu chứng trên đều làm tăng thêm tình trạng mất nước và tăng áp lực thẩm thấu, dẫn đến hôn mê.
2.4. Triệu chứng:
2.4.1. Lâm sàng:

trũng.
+ Triệu chứng mất nước nặng do đái nhiều, khát nhiều, da khô nhăn nheo, mắt
+ ý thức u ám, rối loạn tri giác và đi dần vào hôn mê.
+ Vật vã hoặc co giật.
+ Mất cảm giác hoặc vận động, mất phản xạ gân xương.
+ Buồn nôn hoặc nôn, ỉa lỏng.
+ Sốt có thể do nhiễm trùng hoặc do rối loạn điều hoà thận nhiệt.
+ Nếu mất nước nặng sẽ dẫn đến máu cô và tắc mạch có thể xảy ra.
2.4.2. Cận lâm sàng:
+ áp lực thẩm thấu tăng > 320 mosm/l.
+ Đường máu tăng cao 25 - 30 mmol/l.
+ Tăng natri máu.
+ Kali máu giảm, có thể phospho máu giảm.
+ pH máu bình thường, dự trữ kiềm bình thường.
+ Urê, creatinin máu tăng.
2.5. Điều trị:
+ Truyền dịch để bồi phụ đủ số lượng nước mất, dựa theo áp lực tĩnh mạch trung tâm, có thể cho > 10 lít/ngày.
- NaCl nhược trương 0,45 % hoặc có thể truyền ringerlactat.
- Có thể dùng glucose 5% để tránh nguy cơ hạ đường huyết (khi glucose máu giảm xuống 12 mmol/l).
+ Insulin nhanh: truyền tĩnh mạch như phác đồ điều trị nhiễm toan ceton.
+ Kali: cần truyền kali cùng với insulin với liều 10-20 ml KCl 10% và NaCl 4,5% (dung dịch N- I- K).
Theo dõi lượng nước vào ra, đường máu, áp lực thẩm thấu để điều chỉnh liều insulin hàng giờ cho đến khi bệnh nhân ổn định (đường máu, áp lực thẩm thấu máu) trở về bình thường và bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.
+ Điều trị suy tim nếu có, có thể cho ouabain hoặc digoxin.
+ Cho kháng sinh chống bội nhiễm.
Trong điều trị hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, việc điều chỉnh rối loạn nước-điện giải rất quan trọng. Vì đường huyết có thể về bình thường khi bồi phụ đủ dịch và điện giải.
+ Điều trị nguyên nhân gây bệnh.
3. Hôn mê do nhễm toan axit lactic.
3.1. Định nghĩa:
Nhiễm toan axit lactic là một bệnh nhiễm toan chuyển hoá nặng do tăng axit lactic trong máu.
Nhiễm toan axit lactic là một bệnh hiếm gặp, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và có tỷ lệ tử vong cao.
3.2. Nguyên nhân:
+ Do uống quá nhiều biguanid sẽ làm phân hủy qúa nhiều glycogen dẫn đến tăng axit lactic.
+ Do thiếu ôxy tổ chức như: suy tim, các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây suy hô hấp, thiếu máu, sốc, chảy máu, mất máu...
3.3. Cơ chế bệnh sinh:
+Thiếu insulin sẽ làm giảm hoạt tính của men piruvat hydrogenaza. Men này có tác dụng chuyển axit piruvic thành acetyl CoA dẫn đến tăng tích lũy axit piruvic và chuyển thành axit lactic.
+ Khi điều trị đái tháo đường bằng biguanid, thuốc này có tác dụng ức chế lên chức năng bài tiết của thận đối với ion H+ cho nên sẽ làm rối loạn cân bằng ôxy hoá khử các cofartor, là những chất mang H+ (NADH: NAD+). Do đó sẽ làm rối loạn hiện tượng đi qua màng tế bào của axit piruvic, sẽ làm tăng chuyển hoá chúng thành axit lactic dẫn đến nhiễm toan chuyển hoá tăng axit lactic.
3.4. Triệu chứng:
3.4.1. Lâm sàng:
+ Khởi đầu thường có tính chất đột ngột, hôn mê xảy ra rất nhanh, sau một vài giờ.
+ Nôn nhiều, dấu hiệu mất nước: da nhăn nheo, mắt trũng sâu, da nhợt nhạt, rối loạn ý thức, lơ mơ.
+ Thận nhiệt giảm, huyết áp giảm, trụy tim mạch.
+ Nhịp thở Kussmaul (lúc đầu có thể tăng thông khí, thở nhanh).
+ Đái ít hoặc vô niệu.
3.4.2. Cận lâm sàng:
+ Đường máu tăng vừa phải.
+ Tăng axit lactic máu (bình thường axit lactic 0,56 - 2,2 mmol/l).
+ Dự trữ kiềm giảm, pH máu giảm.
+ K+ trong máu tăng khi có suy thận.
+ Bạch cầu trong máu tăng.
3.5. Điều trị:
+ Điều trị nguyên nhân gây nhiễm toan axit lactic:
- Chống toan hoá máu:
Truyền bicarbonat có thể tính theo công thức sau:
HC03 thiếu = (25 mEq/l HC03 - HC03 đo được) x 0,5 (cân nặng tính bằng kg).
- Insulin nhanh truyền giống như liều điều trị hôn mê do nhiễm toan ceton.
+ Thông khí tốt, phục hồi huyết áp và chống trụy tim mạch.
- Điều trị suy tim bằng ouabain hoặc digoxin, nếu huyết áp tụt phải nâng huyết áp bằng các thuốc (dopamin, dobutrex).
- Bồi phụ nước và điện giải bằng truyền dung dịch natriclorua đẳng trương 0,9%, ringerlactat hoặc glucose 5%.
+ Nếu có suy thận: lọc máu hoặc thẩm phân phúc mạc.


Nội dung trên có tính chất tham khảo, không tự ý áp dụng, cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Quý khách có thể đến khám miễn phí tại Phòng khám của Y Dược Tinh Hoa, gọi số 02438438093; 0965340818, hoặc để lại số điện thoại và ý kiến vào ô dưới đây để được tư vấn hiệu quả nhất.

Họ tên:
Email:
Điện thoại:
Nội dung:
Mã bảo mật captcha
Các bài viết khác