A Ă Â B C D Đ E Ê F G H I J K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V W X Y Z
Lá lốt hay Tất bát - Piper lolot L., thuộc họ Hồ tiêu - Piperaceae.
Mô tả: Cây thảo sống lâu, cao 30-40cm hay hơn, mọc bò. Thân phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều đường rãnh dọc. Lá đơn, nguyên, mọc so le, hình tim, có 5 gân chính toả ra từ cuống lá; cuống có gốc bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa dạng bông đơn mọc ở nách lá. Quả mọng chứa một hạt.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Piperis.
Nơi sống và thu hái: Cây đặc hữu của Ðông Dương mọc hoang và cũng được trồng lấy lá làm rau gia vị và làm thuốc trồng bằng mấu thân, cắt thành từng khúc 20-25cm, giâm vào nơi ẩm ướt. Có thể thu hái cây quanh năm,đem rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi nắng hay sấy khô dùng dần.
Thành phần hoá học: Trong cây có tinh dầu.
Tính vị, tác dụng: Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dùng trị phong hàn thấp, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng ỉa chảy, thận và bàng quang lạnh, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi. Ngày dùng 6-12g hay hơn, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Ðơn thuốc:
1. Tê thấp đau lưng, đau gấp ngang lưng, sưng đầu gối, bàn chân tê buốt; Lá lốt và Ngải cứu, liều lượng bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng đắp, chờm. Ðể uống, dùng 8-12g dây rễ lá lốt, phối hợp với Dây đau xương, rễ Cỏ xước, củ Cốt khí, mỗi vị 8g sắc uống.
2. Giải độc say nấm, rắn cắn. Lá lốt tươi giã nát, phối hợp với lá Khế, lá Ðậu ván trắng mỗi vị 50g, thêm nước, lọc nước cốt uống.
6 - Lá lụa
Lá lụa, Mót - Cynometra ramilflora L., thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Mô tả: Cây gỗ nhỡ cao tới 15-30m, với lá thường rũ xuống. Lá kép chẵn, gồm 2 cặp lá chét màu trắng rồi hồng, xanh, mềm, hình trái xoan ngược hay thon hoặc hơi hình lưỡi liềm; cặp ở trên dài 5-10 (20)cm, rộng 2-4,5 (7,5)cm, không cân xứng ở gốc, nhọn hoặc lõm tròm ở đầu. Cụm hoa gồm 1-2 chùm ngắn ở nách lá, số lượng hoa không nhiều, màu trắng rồi nâu. Quả hoá gỗ, dài 2-3cm, có lông hoặc nhẵn, bề mặt xù xì, màu nâu, chứa 2-3 hạt.
Ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9-10 tới tháng 1-5.
Bộ phận dùng: Lá, rễ, dầu hạt - Folium, Radix et Oleum Cynometrae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố từ Ấn Ðộ qua Ðông Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, thường gặp trong các rừng ngập mặn, dựa rạch nước lợ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cây gỗ màu nâu đỏ, chỉ dùng làm củi đun. Lá non có vị chua được dùng làm rau ăn sống, thường ăn với lẩu mắm. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng lá nấu sôi trong sữa bò và thêm mật ong vào dùng đắp ngoài chữa phong hủi, ghẻ và bệnh ngoài da. Dầu hạt cũng dùng trị phong, ghẻ và bệnh ngoài da. Còn rễ dùng làm thuốc tẩy xổ.
Nội dung trên có tính chất tham khảo, không tự ý áp dụng, cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Quý khách có thể đến khám miễn phí tại Phòng khám của Y Dược Tinh Hoa, gọi số 02438438093; 0965340818, hoặc để lại số điện thoại và ý kiến vào ô dưới đây để được tư vấn hiệu quả nhất.
© Bản quyền thuộc về Y Dược Tinh Hoa LD Hàn Việt. ® Ghi rõ nguồn YDUOCTINHHOA.com khi phát hành lại thông tin từ website này
Chú ý: Các thông tin trên website có tính chất tham khảo. Hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người, không tự ý áp dụng. Cần tham vấn ý kiến của thầy thuốc.