1. Các biểu hiện triệu chứng thường gặp ở chăm sóc sức khỏe ban đầu:
- Các bệnh nhân có thể than phiền là hay bị quên và có cảm giác bị ức chế, nhưng có thể lại không nhận biết được là mình đang bị mất trí nhớ. Các bệnh nhân và gia đình đôi khi lại phủ nhận rằng đôi khi mình lại không bị mất trí nhớ.
- Lúc đầu gia đình đưa bệnh nhân đi khám bệnh vì sự suy giảm trí nhớ, các thay đổi về nhân cách hoặc hành vi… Về sau, bệnh nhân được đưa đi khám bệnh vì lú lẫn, đi lang thang và đại tiểu tiện không tự chủ. Vệ sinh cá nhân kém ở một bệnh nhân tuổi già có thể là sự biểu hiện của suy giảm trí nhớ.
2. Các đặc trưng để chẩn đoán:
- Suy giảm trí nhớ; giảm khả năng tư duy, phán đoán, rối loạn định hướng và ngôn ngữ.
- Bệnh nhân thường biểu hiện báng quan hay mất ham thích hứng thú, song vẫn có thể thấy tỉnh táo và ứng xử thích hợp mặc dù trí nhớ suy giảm.
- Giảm khả năng trong các công việc thường ngày (mặc quần áo, giặt rũ, nấu ăn…).
- Mất kiểm soát cảm xúc - bệnh nhân có thể trở nên dễ buồn, dễ khóc, dễ bị kích thích.
- Thường gặp ở người già, rất hiếm gặp ở người trẻ và tuổi trung niên.
Trắc nghiệm về trí nhớ và tư duy có thể bao gồm:
+ Khả năng nhớ lại tên 3 đồ vật thông dụng ngay lập tức và sau 3 phút.
+ Khả năng nói tên các ngày trong tuần theo thứ tự ngược lại.
3. Chẩn đoán phân biệt:
Khám phát hiện các bệnh lý nguyên nhân gây mất trí nhớ, ví dụ:
- Trầm cảm.
- Nhiễm trùng tiết niệu.
- Tụ máu dưới màng cứng.
- Các bệnh nhiễm trùng khác nhau.
- Não úng tủy áp lực bình thường.
- Thiếu máu.
- Thiếu B12 hay folate.
- Giang mai.
- Nhiễm HIV.
- Các thuốc đã dùng hoặc rượu có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung.
- Lú lẫn tăng lên đột ngột có thể là biểu hiện một bệnh cơ thể (nhiễm trùng cấp…) hoặc nhiễm độc thuốc. Nếu lú lẫn, khó tập trung chú ý, kích động… xuất hiện cần xem xét “Mê sảng”.
- Trầm cảm có thể gây các triệu chứng về trí nhớ, tập trung chú ý giống như sa sút trí tuệ, đặc biệt ở người già. Nếu khí sắc giảm hoặc trầm nổi rõ, xem xét “Trầm cảm”.
4. Hướng dẫn quản lý:
Thông tin cơ bản cho bệnh nhân và gia đình:
- Sa sút trí tuệ là rối loạn thường gặp ở người già.
- Mất nhớ và lú lẫn có thể dẫn đến các rối loạn hành vi (ví dụ: kích động, đa nghi, bùng nổ cảm xúc).
- Mất nhớ thường tiến triển chậm, những diễn biến có thể rất khác nhau.
- Bệnh lý cơ thể hoặc các stress tâm thần có thể làm tăng cường sự lú lẫn.
5. Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình:
- Theo dõi khả năng của bệnh nhân trong việc thực hiện các công việc thường ngày một cách an toàn.
- Nếu mất trí nhớ còn nhẹ, xem xét sử dụng các phương tiện trợ giúp nhớ hoặc nhắc nhở.
- Tránh để bệnh nhân ở những nơi hoặc tình huống không quen thuộc.
- Xem xét các cách làm giảm stress khi chăm sóc cho các bệnh nhân náy (ví dụ: các nhóm tự giúp lẫn nhau). Sự trợ giúp của các gia đình khác nhau đối với gia đình có người sa sút trí tuệ có thể rất hữu ích.
- Thảo luận việc sắp xếp các vấn đề liên quan đến pháp luật, tài chính …
- Khi thích hợp, thảo luận sắp đặt sự trợ giúp chăm sóc bệnh nhân ở nhà, ở cộng đồng hoặc các chương trình chăm sóc ban ngày hoặc nơi tập trung cho bệnh nhân.
- Nếu kích động không thể kiểm soát được cần đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở điều dưỡng.
6. Thuốc:
- Thận trọng khi sử dụng các thuốc bình thản hoặc gây ngủ (ví dụ: Benzodiazepin) vì các thuốc này có thể làm tăng lú lẫn.
- Các thuốc chống loạn thần với liều thấp (ví dụ: Haloperidol 0,5-1,0 mg một hoặc hai lần trong một ngày) đôi khi là cần thiết để điều trị kích động, các triệu chứng loạn thần hay hành vi xâm phạm, tấn công… Coi chừng các tác dụng phụ do thuốc (các triệu chứng giống parkinson, các tác dụng phụ kháng cholinergic) và sự tương tác thuốc.
7. Khám chuyên khoa:
Xem xét khám chuyên khoa khi:
- Kích động chưa kiểm soát được.
- Mất trí nhớ xuất hiện đột ngột và xấu đi nhanh.
- Các bệnh lý cơ thể gây sa sút trí tuệ cần được điều trị đặc hiệu (ví dụ: giang mai, tụ máu dưới màng cứng).
- Cân nhắc việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện hay nhà điều dưỡng khi bệnh nhân cần phải được chăm sóc tích cực.