A Ă Â B C D Đ E Ê F G H I J K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V W X Y Z
1. đại cương:
1.1. định nghĩa:
bệnh lyme là bệnh từ động vật lây sang người, do xoắn khuẩn borrelia burgdoferi gây nên. bệnh có đặc điểm lâm sàng là hình thành những ban đỏ di chuyển trên da cùng với những tổn thương toàn thân, khớp, tim, thần kinh. bệnh thường có xu hướng kéo dài hàng tháng cho tới hàng năm nếu không được điều trị.
1.2. vài nét về lịch sử bệnh:
- năm 1973, bệnh được phát hiện lần đầu ở lyme - một thành phố thuộc bang connecticut - mỹ. tiếp theo, bệnh được phát hiện ở một số vùng khác của nước mỹ, châu âu, châu á, châu úc.
- ở việt nam, năm 1991, bệnh lần đầu tiên đã được phát hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu của viện quân y 103 - học viện quân y.
1.3. mầm bệnh:
- là xoắn khuẩn borrelia burgdoferi, có trung bình 7-10 vòng xoắn, di động mạnh. nuôi cấy cần có môi trường giàu chất dinh dưỡng như môi trường relly và nhiệt độ thích hợp từ 340c - 370c.
- b. burgdoferi có sự khác nhau về kiểu gen (genotype) và kiểu hình (phenotype) giữa các vùng bắc mỹ, châu âu, châu á. do vậy, biểu hiện bệnh cũng không giống hệt nhau.
1.4. dịch tễ học: 1.4.1. nguồn bệnh:
là các động vật hoang dã đặc biệt là các loài gặm nhấm (chuột nhỏ, sóc), hươu, hoẵng, một số loài chim và ve (ve vừa là nguồn bệnh và vừa là trung gian truyền bệnh). các con vật này mang mầm bệnh một thời gian dài mà không biểu hiện bệnh.
1.4.2. đường lây và trung gian truyền bệnh: bệnh lây đường máu do ve truyền bênh. ve truyền mầm bệnh giữa các động vật với nhau và sang người khi hút máu. ve có thể truyền bệnh ở tất cả các giai đoạn phát triển của nó. một số loài ve truyền bệnh này là:
- ixode dammini ở đông nước mỹ.
- ixodes pacificus ở miền tây nước mỹ.
- ixodes ricinus ở châu âu.
- ixodes persulcatus ở châu á.
1.4.3. thụ bệnh và miễn dịch:
- mọi người, mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh. nhưng những người có nguy cơ là những người làm những nghề có thể tiếp xúc với ve như: nông dân, người làm nghề rừng hoặc khi đi chơi, cắm trại, tập luyện trong rừng...
- dịch bệnh thường phát mạnh vào các tháng hè
- miễn dịch sau mắc bệnh yếu, không vững bền nên có thể tái nhiễm.
2. cơ chế bệnh sinh:
bệnh lyme có cơ chế bệnh sinh giống như bệnh giang mai, tiến triển thành 3 giai đoạn:
- giai đoạn1 : b. burgdoferi chỉ khu trú ở nơi da bị ve đốt và biểu hiện lâm sàng là một ban đỏ mãn tính di chuyển. tổn thương da này thường biến mất sau vài tuần dù không được điều trị.
- giai đoạn 2 : từ ổ tổn thương ở da, b. burgdoferi đột nhập vào máu, tới các cơ quan và gây tổn thương các cơ quan này. những cơ quan hay tổn thương là : khớp, tim, hệ thần kinh... dù không được điều trị, các triệu chứng của giai đoạn này cũng tự khỏi. nhưng b. burgdoferi vẫn tồn tại trong các cơ quan này kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và phát bệnh trở lại tạo nên giai đoạn 3.
- giai đoạn 3 : giai đoạn mãn tính của bệnh. người ta cho rằng : hình ảnh lâm sàng của bệnh lyme là do sự đáp ứng miễn dịch của người bệnh.
3. lâm sàng:
sau khi bị ve đốt, có thời gian nung bệnh khoảng 3-30 ngày. bệnh diễn biến thành 3 giai đoạn nếu không được điều trị:
3.1. giai đoạn 1 - giai đoạn khu trú:
- triệu chứng chủ yếu là : ban đỏ di chuyển. tại nơi bị ve đốt, lúc đầu xuất hiện một nốt dát đỏ hoặc sẩn đỏ, sau đó tổn thương này lan rộng ra thành ban đỏ. ban có đường kính thường lớn 5-10 cm và có thể lớn hơn. có hình bầu dục, ở ngoại vi đỏ hơn ở trung tâm. ban này không gây đau, không ngứa nên bệnh nhân thường không nhận biết được, nếu vị trí ban ở chỗ kín. vị trí mọc ban thường gặp 50% ở chi dưới (kheo chân, phần trên của đùi), có thể ở thân mình, chi trên và đôi khi ở mặt. tuy vậy, theo các tác giả mỹ có khoảng 25% số bệnh nhân không có ban này.
- các triệu chứng khác : có thể sưng hạch khu vực, có thể có những biểu hiện toàn thân như : sốt, đau đầu, đau khớp. khi có biểu hiện toàn thân là báo hiệu có sự lan tràn theo đường máu sớm của mầm bệnh.
- tiến triển : dù không được điều trị đặc hiệu, ban đỏ và các triệu chứng khác cũng hết dần và không để lại di chứng.
3.2. giai đoạn 2 - xoắn khuẩn vào máu, gây tổn thương các cơ quan:
giai đoạn 2 xuất hiện vài tuần hoặc vài tháng sau khi ban đỏ di chuyển của giai đoạn 1 tự biến mất. những biểu hiện của giai đoạn 2 gồm có:
3.2.1. biểu hiện toàn thân: sốt có gai rét hoặc rét run, đau đầu nặng nề, đau cơ, đau khớp, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi.
3.2.2. biểu hiện ở da:xuất hiện một đợt ban đỏ di chuyển mới với tính chất tổn thương và tiến triển giống như giai đoạn một nhưng số lượng ban nhiều hơn. tuy nhiên có 30-50% bệnh nhân không thấy ban.
3.2.3. các biểu hiện ở khớp:
- đau nhiều khớp: hay gặp và biểu hiện sớm.
- viêm khớp: biểu hiện muộn hơn và ít gặp hơn. hay gặp viêm một khớp hoặc viêm khớp có ít dịch. thường là khớp lớn, nhất là khớp gối. biểu hiện viêm khớp kiểu cấp tính và tiến triển từng đợt để dần chuyển sang giai đoạn mãn tính ở giai đoạn 3.
3.2.4. biểu hiện ở tim:
- gặp khoảng 8% số bệnh nhân ở mỹ.
- có thể bị viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim biểu hiện rõ bằng các triệu chứng lâm sàng hoặc chỉ thấy ở điện tim.
- những tổn thương tim này có đặc tính thay đổi theo từng lúc và tiến triển thường tự khỏi không có di chứng.
3.2.5. biểu hiện ở hệ thần kinh:
- gặp khoảng 15% số bệnh nhân ở mỹ nhưng rất hay gặp ở pháp và các nước châu âu.
- tổn thương trung ương như: viêm não, viêm tiểu não, viêm tuỷ.
- viêm màng nãonước trong: dịch não tuỷ có tăng tế bào lympho (khoảng 100 tế bào/ml), protein tăng, glucose bình thường hoặc giảm nhẹ.
- tổn thương thần kinh ngoại vi: viêm rễ thần kinh, viêm dây thần kinh kể cả các thần kinh sọ não như viêm dây vii một bên hoặc hai bên và các dây thần kinh sọ não khác.
- các tổn thương thần kinh có thể phối hợp nhiều tổn thương và cũng hết sau vài tháng để rồi chuyển sang giai đoạn 3.
3.2.6. biểu hiện khác, hiếm gặp hơn:
- viêm gan.
- mắt : viêm kết mạc, viêm màng bồ đào...
3.3. giai đoạn 3 - giai đoạn muộn, diễn biến kéo dài:
nhiều tháng hoặc nhiều năm sau, khoảng 60% số bệnh nhân ở mỹ không được điều trị, xuất hiện các biểu hiện của giai đoạn 3 là :
- biểu hiện da: viêm da đầu chi mãn tính teo đét, thường bị ở chân. lúc đầu chỉ là xâm nhiễm viêm, sau nhiều tháng hoặc nhiều năm, tiến triển tới teo đét da làm nôỉ rõ mạng mao mạch da. ngoài ra, có thể có các u lympho da lành tính ở mặt và vùng sinh dục. đó là những cục có đường kính 1-2 cm màu đỏ hoặc tím.
- biểu hiện ở khớp: viêm khớp với tính chất viêm nhiều đợt, có tràn dịch khớp với lượng dịch ít, hay bị ở khớp lớn thường là khớp gối, không đối xứng. kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. hầu hết bệnh nhân đều có các đợt tái phát viêm khớp hàng năm. một số ít tiến triển viêm khớp mãn tính một hoặc cả hai khớp gối với hiện tượng mòn sụn và xương.
- biểu hiện thần kinh: hay gặp các tổn thương ở tuỷ như xơ hoá từng mảng hoặc hội chứng ép tuỷ hoặc có tổn thương não gây ra các triệu chứng tâm thần và thần kinh khác nhau.
4. chẩn đoán:
4.1. chẩn đoán xác định:
- các triệu chứng lâm sàng đặc trưng.
- xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu thường bình thường, máu lắng giờ đầu thường dưới 30 mm.
- huyết thanh chẩn đoán : có nhiều kỹ thuật được áp dụng như : miễn dịch huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu, elisa, western blot. nhưng không có kỹ thuật nào là chuẩn tuyệt đối vì còn tồn tại :
+ dương tính giả: do bệnh nhân đã có kháng thể với các mầm bệnh gần với borrelia như treponema, leptospira hoặc do bệnh nhân đã từng tiếp xúc với b. burgdoferi.
+ âm tính giả: đặc biệt ở giai đoạn 1 (gặp ở 50% số bệnh nhân).
- trong thể thần kinh: tìm thấy kháng thể trong dịch não tuỷ là tài liệu có giá trị trong chẩn đoán bệnh.
- phân lập b. burgdoferi trong máu, dịch não tuỷ hoặc sinh thiết da: có giá trị chẩn đoán quyết định.
4.2. chẩn đoán phân biệt:
4.2.1. ở giai đoạn 1, cần chẩn đoán phân biệt với những phản ứng da do các côn trùng khác đốt:
ban đỏ trong bệnh lyme thường không ngứa như ban đỏ do các côn trùng khác đốt và thường có kích thước rất to.
4.2.2. ở giai đoạn 2 và 3 cần chẩn đoán phân biệt với:
- nhiễm khuẩn huyết do các mầm bệnh khác.
- viêm khớp cấp hoặc viêm khớp mãn...
5. điều trị:
5.1. kháng sinh diệt mầm bệnh:
có 2 nhóm kháng sinh có tác dụng tốt với b. burgdoferi là nhóm beta-lactam và cyclin. ngoài ra erythromycin cũng có tác dụng nhưng kém hơn. 5.1.1. khi chỉ có ban đỏ đơn độc, không có triệu chứng nhiễm khuẩn huyết dùng kháng sinh đường uống :
amoxycilin 3-4 g/ngày x 10 ngày cho người lớn.
doxycyclin 200 mg/ngày x 10 ngày cho người lớn.
5.1.2. khi có ban đỏ kèm với các triệu chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc ở giai đoạn 2 của bệnh :
amoxycilin 6-8 g/ngày x 20-30 ngày.
ceftriaxon 2-4 g/ngày x 20-30 ngày, tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch.
5.1.3. ở giai đoạn 3 :
ceftriaxon 4g/ngày x tối thiểu là 30 ngày tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
chú ý: trong các thể toàn thân (có nhiễm khuẩn huyết và tổn thương nhiều cơ quan) cần dùng liều tăng dần để tránh phản ứng jarisch herxheimer.
5.2. điều trị triệu chứng:
- an thần.
- hạ sốt, giảm đau.
- bù nước và điện giải.
- trợ tim mạch, vitamin b, c; ăn uống dinh dưỡng tốt...
6. phòng bệnh:
- việc phòng bệnh còn gặp khó khăn vì nhiều loại nguồn bệnh và vì ve kháng với nhiều thuốc diệt côn trùng.
- cách phòng bệnh tốt nhất là đề phòng cá nhân, chống bị ve đốt khi phải làm việc hoặc đi vào vùng có ve như: đi tất, quấn xà cạp, đi găng tay...
- khi thấy ve trên da thì lấy ngay lập tức ve ra khỏi cơ thể.
- không dùng kháng sinh dự phòng cho người bị ve đốt trừ phụ nữ có thai. để tránh nguy cơ cho thai nhi, có thể dùng amoxycilin.
Nội dung trên có tính chất tham khảo, không tự ý áp dụng, cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Quý khách có thể đến khám miễn phí tại Phòng khám của Y Dược Tinh Hoa, gọi số 02438438093; 0965340818, hoặc để lại số điện thoại và ý kiến vào ô dưới đây để được tư vấn hiệu quả nhất.
© Bản quyền thuộc về Y Dược Tinh Hoa LD Hàn Việt. ® Ghi rõ nguồn YDUOCTINHHOA.com khi phát hành lại thông tin từ website này
Chú ý: Các thông tin trên website có tính chất tham khảo. Hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc cơ địa mỗi người, không tự ý áp dụng. Cần tham vấn ý kiến của thầy thuốc.