1. Định nghĩa:
Bệnh thuỷ đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu gặp ở trẻ em, dễ thành dịch, do virut thuỷ đậu gây ra. Virut có ái tính với da, niêm mạc và hệ thống thần kinh gây nên.
Bệnh lành tính, trừ trường hợp viêm não. Triệu chứng chủ yếu là sốt, phát ban và mụn nước trên da và niêm mạc, ban mọc nhiều đợt cách nhau 3-4 ngày.
2. Mầm bệnh:
Là một loại virut có kích thước lớn, có tên gọi là virut varicella-zoster (varicella-zoster virus). Virut này gây ra hai thể bệnh là thuỷ đậu và herpes zoster (bệnh Zona). Virut có axit nhân là ADN, kích thước khoảng 150-200 nm. ở ngoài cơ thể virut kém bền vững. Nuôi cấy virut trong phôi bào gà và ở môi trường mô.
3. Nguồn bệnh:
Là bệnh nhân thuỷ đậu, có khả năng gây nhiễm từ cuối thời kỳ nung bệnh tới khi bong vẩy.
4. Đường lây:
Lây qua đường hô hấp do virut trong nước bọt bệnh nhân được tung ra môi trường xung quanh. Khi BN ho, hắt hơi, gây nhiễm cho trẻ em khác chưa bị bệnh.
5. Sức thụ bệnh:
Tất cả mọi người đều có thụ cảm với bệnh thuỷ đậu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh, chủ yếu là trẻ em từ 6 tháng đến 7 tuổi. Bệnh hay gặp ở mùa lạnh.
Người lớn ít bị mắc bệnh vì đã có miễn dịch.
Người bệnh sau khi khỏi bệnh, có miễn dịch suốt đời.
II. LÂM SÀNG:
1. Thể điển hình thông thường:
1. Thời kỳ nung bệnh: Từ 14-17 ngày (có thể 10-21 ngày). Trong thời kỳ này thường không có triệu chứng gì.
2. Thời kỳ khởi phát:
Thường ngắn khoảng 1 ngày, triệu chứng không rõ, dễ bỏ qua. Có thể không sốt hoặc sốt nhẹ quanh 38°C, đau mình, mệt mỏi, trẻ không chịu chơi, quấy khóc. Cá biệt có thể sốt tới 39-40°C, bệnh nhi trằn trọc, mê sảng và khi sốt cao trẻ có thể bị co giật... BN thường kèm theo viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp trên.
3. Thời kỳ mọc ban (thời kỳ toàn phát): Ban xuất hiện nhanh, có khi ngay ngày đầu của bệnh. Ban có đặc điểm:
- Ở trẻ em, ban mọc khi tình trạng toàn thân gần như bình thường hoặc sốt nhẹ. Ở người lớn, khi ban mọc có thể sốt cao kèm triệu chứng nhiễm độc toàn thân.- Thoạt đầu là những ban màu đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rất nông, như đặt trên da. Sau 24-48 giờ thì ngả màu vàng. Khi đó nốt thuỷ đậu trở thành hình cầu, đường kính khoảng 5 mm nổi trên mặt da khoảng 2 mm, chung quanh có nền da tấy đỏ độ rộng ra 1mm, một số nôt phỏng hơi lõm ở giữa.
- Ban mọc rải rác khắp người, nhất là trên da đầu (những trường hợp ban ít thì ở chân tóc bao giờ cũng có ban). Vì vậy nên tìm kỹ ở đó khi khám bệnh. Nốt phỏng thuỷ đậu có một ngăn nên khi chọc thì xẹp ngay.
- Ban mọc không thứ tự, hết đợt này đến đợt khác. Vì vậy trên mỗi vùng da, thấy có đủ các nốt ban ở các độ tuổi khác nhau.
- Trong niêm mạc đôi khi cũng có phỏng như ở trong má, vòm họng, khi vỡ thành những nốt loét nông, tròn hoặc bầu dục, làm chảy dãi hoặc nuốt đau. ít khi mọc ban ở màng tiếp hợp hoặc trong âm hộ.
- Ở giai đoạn mọc ban, bệnh nhân thường ngứa nhiều, gãi làm vỡ các nốt phỏng, gây bội nhiễm, có thể nổi hạch ngoại biên nhất thời.
- Nốt thuỷ đậu diễn biến lâu nhất 4-6 ngày là khô lại, đóng vảy, mầu nâu sẫm, bong đi sau một tuần, không thành sẹo vĩnh viễn trừ khi gãi loét và bội nhiễm.
Xét nghiệm:
Số lượng bạch cầu có thể giảm, bạch cầu ưa axit thoạt đầu giảm, rồi lại tăng khi bệnh lui. Lympho bào cũng tăng, tốc độ lắng máu cao.
2. Các dạng thuỷ đậu bất thường:
- Nốt thuỷ đậu có thể có máu ở những bệnh nhân bệnh máu, hoặc ở những trẻ em suy mòn thì nốt thuỷ đậu có thể bị hoại tử, gây loét sâu, có chất dịch màu xám.
- Nốt thuỷ đậu có thể bội nhiễm, gây mủ dễ nhầm với đậu mùa. Vi khuẩn gây bội nhiễm thường là tụ cầu, liên cầu...
3. Biến chứng: bệnh thuỷ đậu nói chung lành tính, nhưng cũng có thể gặp biến chứng:-Nếu thuỷ đậu mọc nhiều trên niêm mạc có thể gây biến chứng viêm niêm mạc miệng, âm hộ, viêm tai giữa và tai ngoài, viêm thanh quản, “croup” giả...-Viêm thận, trong các trường hợp bệnh nặng, ban mọc vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh, có thể làm đi tiểu ra máu, khỏi sau vài tuần.
-Viêm khớp tràn dịch: thường gặp ở thể nặng, các khớp có viêm và tràn dịch, ít khi thành mủ và khỏi sau vài ngày, nhưng biến chứng này ít gặp.
- Viêm phổi: biến chứng thường gặp ở người lớn bị thuỷ đậu hơn là trẻ em. Biểu hiện bằng đau ngực, ho, sốt kéo dài...
-Bệnh kết hợp: bệnh thuỷ đậu có thể kết hợp cùng xuất hiện với một bệnh khác như bạch hầu, sởi, ho gà, nhưng các bệnh này nặng hơn, thường làm lấn át thuỷ đậu. làm nặng lên một số bệnh như lao phổi, phế quản phế viêm có thể xuất hiện do bội nhiễm.
- Biến chứng thần kinh:Đáng chú ý nhất là viêm não. Nguyên nhân vẫn chưa rõ, có thể là do virut thuỷ đậu, hoặc là do dị ứng, hoặc do một virut khác có sẵn trong não. Song về mặt giải phẫu bệnh cho thấy, đây là viêm não virut, hậu phát. Thường gặp nhiều ở trẻ nam giới. Khởi phát từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 của bệnh, chậm nhất là ngày thứ 21. Biến chứng bắt đầu đột ngột, tự nhiên sốt cao lên, nhức đầu, nôn, li bì, nhiều khi co giật và liệt. Khám thấy hội chứng màng não (+), có dấu hiệu Babinski. Lâm sàng là bệnh cảnh của viêm não và màng não. Dịch não tuỷ: trong, áp lực hơi tăng. Tế bào tăng vừa có khi tới 100 tế bào/mm3, phần nhiều là tế bào lympho, Protein hơi tăng, Glucoza hơi tăng hoặc bình thường. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 5%, có 15% khỏi hoàn toàn không di chứng. Nếu có di chứng, là: rối loạn tiền đình, liệt, mù, đần độn v.v...
- Biến chứng khác: viêm cơ tim, viêm hạch lympho...
III. CHẨN ĐOÁN:
1. Chẩn đoán xác định: dựa vào:
- Bệnh khởi phát đột ngột
- Triệu chứng toàn thân nhẹ
- Ban mọc ngay ngày đầucủa bệnh, chỉ có nốt phỏng nước không có mụn mủ (nếu không nhiễm khuẩn).
- Ban mọc không tuần tự, mọc nhiều đợt cách nhau 3-4 ngày. Ban mọc cả trong chân tóc. Trên cùng một vùng da, có nhiều tuổi ban khác nhau.
- Khi ban lặn không để lại sẹo vĩnh viễn.
- Bạch cầu máu ngoại vi giảm, lympho bào tăng.
- Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ chưa bị bệnh.
2. Chẩn đoán phân biệt:
- Với đậu màu thể nhẹ và thể cụt, tuy không có mụn mủ, nhưng mụn sẽ mọc theo thứ tự, cùng lứa tuổi. Khi mụn đậu mọc thì nhiệt độ giảm, bạch cầu tăng.
Trong một số trường hợp nên dựa vào huyết đồ theo E. Weil:
Đậu mùa |
Thuỷ đậu |
|
Hồng cầu Bạch cầu đa nhân Tuỷ bào Đơn nhân lớn Bạch cầu Đơn nhân |
giảm - có nhân tăng giảm tăng tăng có |
bình thường bình thường bình thường bình thường hoặc giảm bình thường hoặc giảm không |
- Phân biệt với một số bệnh ngoài da ở trẻ em gây nốt phỏng nhất là chốc lở.
IV. ĐIỀU TRỊ:
1. Nguyên tắc:
- Cách ly để đề phòng lây lan.
- Không có thuốc đặc trị, nên điều trị triệu chứng giải độc.
- Xử lý tốt các nốt phỏng, nốt loét, đề phòng bội nhiễm.
- Thời gian cách lý tới khi ban hết mọc, vẩy đã bong hết.
2. Điều trị cụ thể:
- Khi trẻ sốt cao, cần cho uống thuốc hạ nhiệt: Paracetamol... Uống thuốc an thần chống co giật: Gacdenal, Seduxen, Canxi bromua 3%...
- Chống ngứa bằng các thuốc kháng Histamin như: Dimedrol 10/00
- Khi có bội nhiễm: dùng kháng sinh thích hợp. Cho các loại vitamin...
- Đặc biệt chú ý tới công tác săn sóc:
• Cho bệnh nhân nằm buồng thoáng, tránh gió lùa, đề phòng biến chứng.
• Vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý, dung dịch Axit Boric 1%.
• Vệ sinh tai mũi họng.
• Vệ sinh da: giữ cho da khô sạch, không để cho trẻ gãi. Các nốt loét phải chấm dung dịch Xanh Metylen hoặc Thuốc Tím 1/4000, mặc quần áo mềm sạch.
• Đảm bảo ăn lỏng, ấm, đủ dinh dưỡng, đủ ca lo.
V. DỰ PHÒNG:
- Thường bệnh thuỷ đậu là cách ly tại nhà, chỉ đưa đi viện những trường hợp nặng, biến chứng. Thời gian cách ly sau khi mọc ban đợt cuối cùng 5 ngày.
- Tẩy uế buồng bệnh hàng ngày.
- Trẻ em ở tuổi vườn trẻ và mẫu giáo chưa bị thuỷ đậu, mà tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu phải giữ tại nhà 11 đến 21 ngày, sau khi tiếp xúc.
- Nên tiêm Gamma globulin 3ml bắp thịt cho trẻ em yếu chưa bị thuỷ đậu.