- Nắm được định nghĩa ý thức và các biểu hiện lâm sàng của ý thức.
- Biết các loại rối loạn ý thức trên lâm sàng.
- Biết cách đánh giá ý thức theo thang điểm Glasgow.
- Nắm được các nguyên nhân hôn mê thường gặp trên lâm sàng.
- Biết cách cấp cứu chăm sóc bệnh nhân hôn mê.
1. Đại cương về ý thức
1.1. Định nghĩa ý thức
— Về phương diện sinh lý thần kinh, người ta định nghĩa “ý thức là sự nhận biết của một cá thể về bản thân và môi trường xung quanh”.
— Để bảo đảm cho sự tồn tại của ý thức (một trạng thái đặc biệt trong hoạt động của não bộ) có hai hoạt động chức năng quan trọng là:
+ Sự thức tỉnh và sự đáp ứng (do các cấu trúc dưới vỏ đảm nhiệm).
+ Sự tiếp nhận và nhận thức (chức năng của vỏ não).
1.2. Biểu hiện lâm sàng của ý thức
— Thức tỉnh: tình trạng mở mắt tự nhiên, hoặc mở mắt khi đang ngủ mà có kích thích đánh thức.
— Đáp ứng: là các hoạt động có định hướng của cơ thể trả lời các kích thích từ bên ngoài. Các hình thức đáp ứng rất khác nhau, ví dụ: người đang ngủ sẽ mở mắt khi có kích thích, các vận động chủ động có định hướng nhằm loại bỏ kích thích gây đau, các hoạt động phản xạ, hoặc đáp ứng bằng ngôn ngữ, thực vật…
— Nhận thức: khả năng hiểu các kích thích ngôn ngữ, nhận biết được các kích thích tri giác (các kích thích giác quan như âm thanh, hình ảnh… và kích thích cảm giác thân thể như đau, nóng, lạnh…).
1.3. Cơ sở giải phẫu của ý thức
Ngày nay người ta cho rằng cơ sở giải phẫu của ý thức gồm có:
— Vỏ não.
— Đồi thị.
— Hệ thống lưới hoạt hoá lên thân não.
1.4. Các tình trạng ý thức trên lâm sàng
Trên lâm sàng, người ta chia ý thức thành các mức độ như sau:
— Tỉnh táo (normal waking state).
—Trạng thỏi tiền hôn mê:
+ Ngủ gà (drowsy state hay somnolence).
+ Lú lẫn (stuporous state).
— Hôn mê (coma).
— Các tình trạng rối loạn ý thức khác:
+ Trạng thái thực vật (vegetative state).
+ Chết não (brain death).
+ Hội chứng khúa trái hay hội chứng khóa trong (locked - in - syndrom).
+ Câm bất động (mutism akinetic).
2. Hôn mê
2.1. Định nghĩa hôn mê
— Hôn mê là trạng thái mất ý thức, là một phản ứng tương đối đồng nhất của não bộ đối với các kích thích nội sinh hoặc ngoại sinh khác nhau như: thiếu oxy, thay đổi độ pH, hạ đường máu, rối loạn nước - điện giải cũng như đối với các chất độc nội sinh và ngoại sinh.
— Ở trong tình trạng hôn mê, bệnh nhân mất khả năng thức tỉnh (hai mắt luôn ở trạng thái nhắm, không mở tự nhiên cũng như không mở khi có kích thích các loại với những cường độ khác nhau). Bệnh nhân không còn những đáp ứng phù hợp với các tác nhân kích thích bên ngoài; rối loạn ngôn ngữ (không nói được và không hiểu được lời nói); không có các vận động chủ động có định hướng và có ý nghĩa của các cơ mặt, các cơ ở chi thể hoặc cơ thân.
2.2. Các mức độ hôn mê trên lâm sàng
2.2.1. Hôn mê độ I hay hôn mê nông (coma sopor)
— Cơ chế bệnh sinh: do quá trình bệnh lý gây ức chế vỏ não lan rộng.
— Lâm sàng:
+ Thức tỉnh, nhận thức và đáp ứng giảm nhiều.
+ Không đáp ứng phù hợp với kích thích đau (khi kích thích đau mạnh bệnh nhân chỉ nhăn mặt, kêu rên).
+ Phản xạ hắt hơi vẫn còn (khi cho ngửi amoniac). Các phản xạ khác như phản xạ đồng tử với ánh sáng, phản xạ nuốt còn nhưng đáp ứng chậm.
+ Có rối loạn cơ vòng (đái dầm).
+ Chưa có rối loạn hô hấp và tim mạch. Có trường hợp bệnh nhân vật vã, giãy giụa, kêu la, mê sảng, người ta gọi là hôn mê thao thức (coma vigil).
2.2.2. Hôn mê độ II hay hôn mê vừa, hôn mê thực sự (coma confirmé)
— Cơ chế bệnh sinh: quá trình bệnh lý đã lan xuống vùng gian não và não giữa.
— Lâm sàng:
+ Gọi, hỏi, lay... bệnh nhân không trả lời, không đáp ứng mở mắt.
+ Mất phản xạ đồng tử với ánh sáng, phản xạ giác mạc.
+ Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ, rối loạn điều hoà thân nhiệt (thường tăng).
+ Có rối loạn nhịp thở như: thở kiểu Cheyne - Stokes, kiểu Kussmaul hoặc kiểu Biot. Rối loạn tim mạch như mạch nhanh, nhỏ, huyết áp dao động.
+ Có thể thấy bệnh nhân biểu hiện co cứng kiểu mất vỏ não.
2.2.3. Hôn mê độ III hay hôn mê sâu (coma carus)
— Cơ chế bệnh sinh: quá trình sức chế sâu sắc tiếp tục ảnh hưởng xuống các cấu trúc bên dưới là cầu não và bắt đầu ảnh hưởng đến chức năng hành não.
— Lâm sàng:
+ Bệnh nhân mất ý thức sâu sắc, không đáp ứng với mọi kích thích.
+ Mất tất cả các phản xạ kể cả phản xạ nuốt, phản xạ ho, đồng tử giãn.
+ Rối loạn thần kinh thực vật nghiêm trọng: tim đập yếu, huyết áp giảm, bệnh nhân xanh nhợt, rối loạn nhịp thở (thường thở kiểu thất điều hũa thở ngáp), rối loạn thân nhiệt (thân nhiệt thường giảm), tăng tiết đờm dãi.
+ Đái ỉa dầm dề.
+ Có thể thấy dấu hiệu duỗi cứng mất não.
2.2.4. Hôn mê độ IV hay hôn mê quá mức, hôn mê không hồi phục (coma dépassé)
— Cơ chế bệnh sinh: giai đoạn này quá trình bệnh lý ức chế rất nặng nề sâu sắc tới hành não và cả tủy sống.
— Lâm sàng:
+ Rối loạn hô hấp và tim mạch rất nặng nề, bệnh nhân không còn tự thở được, cần hô hấp hỗ trợ, huyết áp hạ rất thấp có khi không do được, tim đập rời rạc, yếu ớt.
+ Mất tất cả các phản xạ, đồng tử giãn rộng, toàn thân giá lạnh.
+ Nếu tổn thương não nặng nề, không hồi phục được gọi là tình trạng chết não và chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong. Khi đó bệnh nhân chỉ còn tồn tại nhờ các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ và nhờ thuốc trong một thời gian ngắn.
2.3. Đánh giá mức độ rối loạn ý thức theo thang điểm Glasgow
Bảng 1.4. Thang điểm Glasgow của Teasdale và Jennett (1978)
Chỉ tiêu | Biểu hiện | Điểm |
Đáp ứng mở mắt | Mở mắt tự nhiên Mở mắt khi gọi, khi ra lệnh Mở mắt khi có kích thích đau Không mở mắt |
4 3 4 1 |
Đáp ứng vận động | Vận động đúng theo mệnh lệnh Vận động thích hợp khi có kích thích (sờ vào chỗ bị kích thích) Đáp ứng không thích hợp Đáp ứng kiểu co cứng mất vỏ Đáo ứng kiểu duỗi cứng mất não Không đáp ứng |
6 5 4 3 2 1 |
Đáp ứng lời nói | Trả lời đúng câu hỏi Trả lời lẫn lộn, mất định hướng Trả lời không phù hợp câu hỏi Trả lời không rõ tiếng, không hiểu được Không trả lời |
5 4 3 2 1 |
Cộng | 15 |